A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nội xây dựng ngành y tế thông minh

Ngành y tế Thủ đô đang nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử; đăng ký và khám bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) bằng căn cước công dân gắn chip; đặt lịch khám qua điện thoại; thanh toán viện phí không dùng tiền mặt... đã tạo nhiều thuận lợi cho người dân.

Mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh

Hà Nội được coi là điểm sáng trong chuyển đổi số của ngành y tế Việt Nam. Thời gian qua, nhiều bệnh viện đã triển khai chuyển đổi số, áp dụng CNTT vào các hoạt động quản lý, khám, chữa bệnh (KCB). Tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, việc ứng dụng CNTT một cách toàn diện tạo sự thay đổi tích cực trong các hoạt động chăm sóc sức khỏe người bệnh. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang: Chọn đặt lịch hẹn khám là công việc cần giải quyết đầu tiên. Tổng đài đặt lịch hẹn giúp người bệnh chủ động chọn chuyên khoa và lựa chọn giờ khám theo nhu cầu của bản thân. Mọi thông tin lịch hẹn được cập nhật đến cửa tiếp đón và máy tính của bác sĩ, không còn cảnh phải xếp hàng lấy số. Khi tới đăng ký khám, người bệnh có thể sử dụng BHYT trên ứng dụng VssID-Bảo hiểm xã hội số; tiếp đón qua định danh điện tử VNeID và hệ thống nhận diện khuôn mặt Face ID với thời gian tiếp đón vô cùng nhanh chóng. Với hoạt động điều trị nội trú, mỗi người bệnh khi nhập khoa điều trị đều được cấp vòng đeo tay gắn mã số (QR code) tích hợp trong ứng dụng "App đi buồng". Mỗi bác sĩ chỉ cần cài “App đi buồng” có thể rà soát thông tin nhanh từ lịch sử điều trị, dị ứng thuốc, ra y lệnh ngay tại giường bệnh và cập nhật nhanh chóng lên bệnh án người bệnh thay vì ghi chép. Người bệnh cũng được xem kết quả chiếu chụp, siêu âm, xét nghiệm ngay trên ứng dụng...

Hẹn lịch khám tại quầy đăng ký khám bệnh tự động ở Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Ảnh: DUY TUÂN 

Từ năm 2020, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội được Bộ Y tế và Sở Y tế thành phố lựa chọn để thành lập, đưa vào hoạt động Trung tâm Tư vấn KCB từ xa (Telehealth). Hiện nay, việc triển khai bệnh án điện tử được sử dụng thống nhất, liên kết với các khoa, phòng trong Bệnh viện, bệnh nhân được quản lý bằng mã số. Thông tin về các lần KCB của bệnh nhân đều được số hóa, lưu trữ một cách khoa học. Nhờ việc ứng dụng bệnh án điện tử giúp mọi dữ liệu dễ dàng liên thông, giúp bác sĩ hội chẩn mọi nơi, mọi lúc, không cần lưu trữ hồ sơ bệnh án giấy như trước kia. Với người bệnh, bệnh án điện tử cũng giúp họ không phải lưu trữ tất cả giấy tờ khi đi KCB.

Tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, từ tháng 5-2023, Bệnh viện đã đưa vào sử dụng quầy đăng ký khám bệnh tự động sử dụng căn cước công dân gắn chip và nhận diện khuôn mặt. Đến nay, trung bình mỗi ngày có hơn 1.600 lượt người bệnh đăng ký khám bệnh và thanh toán qua quầy tự động nói trên. Dự kiến đến cuối năm 2024 sẽ có khoảng 90% người dân sử dụng quầy tự động trong đăng ký khám bệnh và thanh toán viện phí tại Bệnh viện.

Điểm sáng trong chuyển đổi số

Chia sẻ về kết quả triển khai Đề án 06 về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế TP Hà Nội Nguyễn Đình Hưng cho biết, với 6 nhiệm vụ của Đề án 06 trong lĩnh vực y tế gồm: KCB bằng căn cước công dân gắn chip; “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng Covid-19; liên thông dữ liệu kết quả khám sức khỏe lái xe; liên thông dữ liệu giấy báo tử, giấy chứng sinh; KCB sử dụng sinh trắc học và thí điểm hồ sơ sức khỏe, sổ sức khỏe điện tử, đến nay, thành phố đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng theo đúng lộ trình, tiến độ đề ra. Tính từ ngày 1-1-2024 đến nay, các cơ sở KCB của ngành y tế Hà Nội đã tiếp đón hơn 4 triệu lượt người đến KCB bằng căn cước công dân gắn chip thay thế thẻ BHYT. Về việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ sức khỏe điện tử, thành phố đã khởi tạo hồ sơ sức khỏe điện tử của hơn 9 triệu người dân; chuẩn hóa thông tin trên hệ thống cho 7,75 triệu người; hơn 6,16 triệu người được cập nhật bổ sung thông tin căn cước công dân; hơn 4,3 triệu người dân được cập nhật bổ sung số thẻ BHYT. Thành phố cũng hoàn thành việc cấp 3.200 tài khoản cho các đơn vị, cá nhân tham gia khai thác, sử dụng hệ thống; tổ chức kết nối, liên thông dữ liệu BHYT của 50 bệnh viện, 39 phòng khám đa khoa và 297 trạm y tế. Đến nay, thành phố đã đồng bộ được gần 3,3 triệu hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân lên Cổng Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm để phục vụ hiển thị thông tin sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID...

Nhận định về việc chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế của thành phố, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho rằng, chuyển đổi số là quá trình liên tục không có điểm dừng mà trước hết bắt đầu từ chuyển đổi nhận thức của người lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, xác định rõ những vấn đề cần ưu tiên và quyết tâm thực hiện thì việc chuyển đổi số mới tạo hiệu quả cao. Theo Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội: Chuyển đổi xanh và chuyển đổi số phải song hành, hỗ trợ và thúc đẩy cùng phát triển. Đơn cử như số hóa phim chụp góp phần lớn trong bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí. Đây chính là chuyển đổi số từ những việc nhỏ nhất, hiệu quả nhất và khoa học nhất.

Mục tiêu quan trọng nhất của chuyển đổi số ngành y tế là phục vụ người dân được tốt hơn, giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế một cách thuận lợi và hiệu quả nhất. Việc ứng dụng CNTT sẽ giúp các bệnh viện, các cơ sở y tế vận hành an toàn, hiệu quả và chất lượng hơn.


Tags: Y TẾ
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết