A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hiệu quả của việc truyền thông trúng đích

Nhờ sự thay đổi phương thức truyền thông nên thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh tại tỉnh Hòa Bình đã có nhiều chuyển biến tích cực.

99% bà mẹ, trẻ sơ sinh được thực hiện chăm sóc y tế

Làm mẹ an toàn là một trong các nội dung quan trọng của công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản. Mục tiêu của làm mẹ an toàn là nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, nhằm giảm tỷ lệ tai biến sản khoa, giảm tình trạng tử vong mẹ và tử vong sơ sinh.

Cán bộ y tế Trạm Y tế xã Quyết Thắng đo huyết áp cho phụ nữ đang mang thai 

Mới đây, tại lễ phát động Tuần lễ làm mẹ an toàn, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết: Hòa Bình là tỉnh miền núi, dân số khoảng 930.000 người (trong đó dân tộc Mường chiếm 63%), có 10 huyện/thành phố với 151 xã/ phường/ thị trấn. Đặc biệt, toàn tỉnh có 59 xã khu vực III. Đây cũng là địa bàn mà người dân được hưởng lợi từ Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025. Để triển khai thực hiện chương trình, tỉnh Hòa Bình đã và đang tích cực triển khai các hoạt động chuyên môn...

Đặc biệt, nhiều hoạt động đã được triển khai có hiệu quả tại các xã vùng III như: Đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ y tế về chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ trẻ em; Cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân. Đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khỏe. Chú trọng truyền thông nhóm, tư vấn trực tiếp cho phụ nữ có thai đến khám thai và các bà mẹ đưa trẻ đi khám sức khỏe/ khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Lồng ghép truyền thông nhóm tại cộng đồng trong các cuộc họp thôn, xóm, họp phụ nữ hoặc thực hành dinh dưỡng, truyền thông về làm mẹ an toàn, bao gồm chăm sóc trước sinh, trong sinh và sau sinh theo từng chủ đề cho từng nhóm đối tượng.

Phổ biến các kiến thức và kỹ năng về làm mẹ an toàn qua các phương tiện truyền thông đại chúng và truyền thông xã hội. Kết quả, tính đến hết tháng 9-2023, tại tỉnh Hòa Bình có 99% bà mẹ, trẻ sơ sinh được thực hiện chăm sóc y tế trước, trong và sau sinh đúng quy định, giảm thiểu tai biến sản khoa. Không có trường hợp tử vong mẹ. Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi, tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đều thấp hơn so với chỉ tiêu được giao.

Những nỗ lực được đền đáp

Y sĩ Nguyễn Thị Liên, Phó trạm trưởng Trạm y tế xã Ngọc Sơn (huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình), chia sẻ, nhiều năm qua, mặc dù lực lượng của Trạm còn thiếu nhưng luôn nỗ lực tuyên truyền, vận động phụ nữ và gia đình thực hiện các biện pháp làm mẹ an toàn, như đi khám thai định kỳ, sinh con tại các cơ sở y tế, chăm sóc sức khỏe sau sinh, áp dụng các phương pháp kế hoạch hóa gia đình an toàn và hiệu quả… Không chỉ ở Tuần lễ làm mẹ an toàn, Trạm y tế xã Ngọc Sơn còn thường xuyên tổ chức các buổi tư vấn, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho phụ nữ mang thai và sau sinh, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn, sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Đồng thời, tổ chức các cuộc thi, trò chơi, giao lưu văn nghệ với chủ đề làm mẹ an toàn, nhằm nâng cao nhận thức và tạo không khí vui tươi, thoải mái cho phụ nữ và gia đình. Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, nhân viên y tế xã về các vấn đề liên quan đến làm mẹ an toàn, như: Phòng ngừa và xử lý các biến chứng sản khoa; quản lý chất lượng dịch vụ y tế; giao tiếp và tư vấn cho người bệnh; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác y tế… Tạo nhóm zalo các bà mẹ có thai và bà mẹ có con trong 1.000 ngày đầu đời. "Bằng những hoạt động hết sức cụ thể, thiết thực, chúng tôi mong muốn sẽ đóng góp một phần công sức của mình trong công tác bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho bà mẹ và trẻ sơ sinh trong địa bàn xã nói riêng và tại tỉnh Hòa Bình nói chung", y sĩ Nguyễn Thị Liên chia sẻ.

Phó trạm trưởng Trạm y tế xã Ngọc Sơn Nguyễn Thị Liên truyền thông, tư vấn cho các bà bầu về cách chăm sóc sức khoẻ và dinh dưỡng

Tại Trạm Y tế xã Quyết Thắng, Điều dưỡng hạng III Bùi Thị Thiết, cho biết, trong những năm gần đây, cán bộ Trạm luôn luân phiên trực 24/24 giờ nhằm đảm bảo tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hàng tuần, hàng tháng Trạm đều cử cán bộ trực tiếp xuống các xóm tuyên truyền về công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, vệ sinh môi trường, chăm sóc sức khỏe sinh sản... Trạm phối kết hợp với y tế thôn bản, cộng tác viên dân số, các trường học trên địa bàn xã, ban đại diện các xóm, tuyên truyền dưới mọi hình thức để mỗi người dân đều được tiếp cận với những dịch vụ sẵn có ở địa phương. Đặc biệt về Chương trình dinh dưỡng và  bảo vệ bà mẹ trẻ em, trong 9 tháng đầu năm, Trạm đã quản lý 146 phụ nữ có thai và đã có 116 phụ nữ đã sinh con và 100% phụ nữ có thai khám thai đủ, đúng lịch; tỷ lệ trẻ dưới 2-5 tuổi suy dinh dưỡng giảm đáng kể chỉ còn 20/203 trẻ.

Cán bộ y tế hướng dẫn bà mẹ theo dõi thai kỳ.

Tận mắt chứng kiến và được nghe 2 cán bộ y tế của 2 Trạm y tế xã Ngọc Sơn và Quyết Thắng truyền thông, tư vấn sức khỏe, dinh dưỡng cho những phụ nữ đang mang thai trong xã, ông Trịnh Ngọc Quang, Phó giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Trung ương khẳng định: “Qua những gì mắt thấy, tai nghe, tôi phải công nhận rằng công tác truyền thông nơi đây đổi mới, sáng tạo và rất ấn tượng. Cán bộ tuyên truyền đã được nâng cao trình độ chuyên môn; nhiều tài liệu truyền thông như tờ rơi, tranh gấp, áp phích… được làm rất dễ hiểu, dễ nhớ và sáng tạo được người dân hào hứng đón nhận. Đó là sự nỗ lực rất lớn của cán bộ làm công tác truyền thông y tế nơi đây. Vì vậy rất mong nhận được sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành, Bộ Y tế để nâng cao hơn nữa năng lực cho cán bộ y tế; đẩy mạnh hơn nữa hoạt động truyền thông nhằm nâng cao sức khỏe toàn diện cho người dân trong tỉnh, đặc biệt là sức khỏe của phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ để như mong muốn và niềm tin của ngành Y tế hướng tới, tất cả mỗi tuần đều là “Tuần lễ làm mẹ an toàn”.

Để giảm tỉ lệ trẻ sơ sinh tử vong, ngành y tế đang tích cực triển khai nhiều giải pháp can thiệp. Đó là chăm sóc bà mẹ trước khi sinh (như theo dõi quản lý thai, khám thai định kỳ ít nhất 4 lần…); áp dụng biện pháp kangaroo với trẻ nhẹ cân, non tháng, giúp phần lớn trẻ đẻ non, nhẹ cân tăng sức đề kháng; tăng cường chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em trong và sau khi sinh thường và sau mổ đẻ; cho trẻ bú mẹ ngay giờ đầu sau sinh và kéo dài ít nhất 24 tháng; giáo dục dinh dưỡng, tập huấn đào tạo, chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu sau sinh… (Ông Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế).


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật