A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thiết lập trật tự vỉa hè: Tìm lời giải cho bài toán khó

Sau rất nhiều chương trình, cuộc ra quân rầm rộ, vi phạm trật tự vỉa hè ở TP Hồ Chí Minh vẫn “đâu lại vào đấy”. Vỉa hè bị chiếm dụng trái phép tràn lan gây nên cảnh nhếch nhác, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.

Khi “cuộc chiến” giành lại vỉa hè bất khả thi, chính quyền TP Hồ Chí Minh đang tính đến phương án cho thuê (thu phí kinh doanh vỉa hè). Đây được coi là giải pháp “lưỡng dụng”, góp phần giải bài toán khó đang thách thức lâu nay...

Thấy gì từ các chiến dịch ra quân giành lại vỉa hè?

Làm thế nào để thiết lập trật tự vỉa hè hiệu quả? Câu hỏi này đã trở thành một vấn đề xã hội lớn, tồn tại dai dẳng cùng quá trình xây dựng, phát triển của TP Hồ Chí Minh. Trong giai đoạn hiện nay, khi vấn đề an ninh trật tự, mỹ quan đô thị được đặt ra cấp bách, bài toán về trật tự vỉa hè tiếp tục được Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Thiết lập trật tự vỉa hè là một trong những nội dung trọng tâm của chương trình xây dựng, chỉnh trang đô thị đang được triển khai mạnh mẽ tại TP Hồ Chí Minh, nhất là những quận trung tâm, nơi tập trung các điểm đến thu hút khách du lịch.

Sau nhiều chiến dịch, cuộc ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ, mặc dù đã áp dụng không ít biện pháp mạnh nhưng hiệu quả thiếu bền vững, TP Hồ Chí Minh đang hướng đến giải pháp “mềm” mang tính "lưỡng dụng": Thu phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố (gọi nôm na là cho thuê vỉa hè). Hiện, chủ trương này trong quá trình lấy ý kiến người dân, đang có những quan điểm đa chiều. Nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ chủ trương của thành phố, bởi với đặc điểm xã hội học tồn tại từ lâu đời, rất khó để giành lại vỉa hè cho người đi bộ bằng các biện pháp hành chính đơn thuần. Nó chỉ thực sự mang lại hiệu quả khi lời giải cho bài toán khó được tích hợp đầy đủ, phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa thiết lập an ninh trật tự với chăm lo sinh kế cho dân nghèo, chỉnh trang đô thị, thay đổi thói quen trong tập tục sinh hoạt của người dân...

Thiết lập trật tự vỉa hè phải gắn liền với các giải pháp bảo đảm sinh kế của người nghèo (trong ảnh: Một phụ nữ sống bằng nghề nhặt phế liệu, bán hàng rong trên đường Lê Lợi, quận 1). 

Đề cập đến các chiến dịch, các cuộc ra quân thiết lập trật tự vỉa hè ở TP Hồ Chí Minh, không thể không nhắc đến cuộc ra quân rầm rộ trên địa bàn quận 1, giai đoạn 2017-2018. Lúc bấy giờ, theo sự phân công của UBND quận 1, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND quận là người chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo công tác thiết lập trật tự vỉa hè trên địa bàn quận.

Ông Hải từng khẳng định quyết tâm rất cao khi tuyên bố “không giành được vỉa hè, tôi cởi áo về vườn”. Chiến dịch thiết lập trật tự vỉa hè do UBND quận 1 chỉ đạo, tổ chức thực hiện nêu trên được coi là cuộc ra quân rầm rộ nhất, quyết liệt nhất, thu hút sự quan tâm của dư luận lớn nhất liên quan đến trật tự vỉa hè, lòng đường ở TP Hồ Chí Minh trong nhiều năm qua. Cuộc ra quân đã tạo được những chuyển biến tích cực, trong thời gian diễn ra chiến dịch, tình trạng vi phạm hành lang vỉa hè, lòng đường giảm hẳn, đường thông hè thoáng thấy rõ. Tuy nhiên, do phương pháp nặng về hành chính, chủ yếu là kiểm tra, cưỡng chế, xử phạt, thiếu các giải pháp quan tâm đến sinh kế của một bộ phận người dân sống dựa vào vỉa hè nên chiến dịch thiết lập trật tự vỉa hè ở quận 1 không mang lại hiệu quả bền vững. Sau khi chiến dịch kết thúc thì tình trạng vi phạm vỉa hè “đâu lại vào đấy”...

Thiết lập trật tự phải gắn liền với sinh kế

Những chiến dịch thiết lập trật tự vỉa hè, lòng đường ở TP Hồ Chí Minh, điển hình là cuộc ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ ở quận 1 nêu trên đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng các cấp. Trong cuộc làm việc với lãnh đạo quận 1 cuối năm 2022, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu: Lãnh đạo chủ chốt và cán bộ, đảng viên các cấp trong hệ thống chính trị của quận không được quan niệm địa bàn quận chỉ dành cho người giàu, sang trọng.

Trong hệ sinh thái của thành phố, có các nhà đầu tư triệu đô, tỷ đô thì cũng có người khởi nghiệp, người tìm sinh kế. Việc thiết lập trật tự không thể thực hiện theo kiểu thấy hàng rong là dẹp để dành đất cho các thương hiệu lớn. Đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh: "Có người buôn gánh bán bưng thì cũng phải tìm hiểu họ là ai, cách thức như thế nào và tạo sinh kế gì cho người ta sống được, đừng nghĩ đẩy người ta ra khỏi chỗ này". Quan điểm nhân văn của người đứng đầu chính quyền thành phố nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo dư luận xã hội.

Trên cơ sở nhu cầu xã hội và những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn, việc cho thuê một phần vỉa hè để gắn trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ của người sử dụng vỉa hè cho mục đích kinh doanh, nhằm thiết lập trật tự an ninh vỉa hè, lòng đường là giải pháp linh hoạt mang tính "lưỡng dụng". Tuy nhiên, nhiều người bày tỏ băn khoăn về tính khả thi nếu quá trình triển khai thiếu các giải pháp phối hợp, gắn trách nhiệm đồng bộ.

Thiếu kiểm tra, giám sát chặt chẽ, vỉa hè rất dễ trở thành những cái “chợ cóc” kiểu mới. Tình trạng lấn chiếm vỉa hè không những không được xử lý triệt để mà còn bùng phát mạnh hơn. Bởi vậy, việc cho thuê vỉa hè cần được lựa chọn triển khai thí điểm ở một số tuyến đường, khu vực hội tụ đủ các tiêu chí. Không nên vì quyền lợi kinh tế mà vội vàng cho áp dụng trên diện rộng...


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật