A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỳ vọng thị trường lao động phát triển bền vững, ổn định

Chưa bao giờ các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người lao động và doanh nghiệp được triển khai nhiều như trong năm 2022. Bước sang năm 2023, người lao động và doanh nghiệp vẫn kỳ vọng thị trường lao động sẽ ngày càng phát triển bền vững, ổn định hơn.

Những chính sách chưa có tiền lệ

Mới đây, khi chia sẻ thông tin cho các phóng viên, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: “Chúng ta đã trải qua năm 2022 với rất nhiều biến động và diễn biến khó lường ở trong nước cũng như trên thế giới, đặc biệt là hậu quả của đại dịch Covid-19 và tình hình khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhân dân, người lao động. Thế nhưng, với những nghị quyết và quyết định được ban hành, chúng ta đã huy động tới 104.000 tỷ đồng để hỗ trợ 68,67 triệu lượt người và hơn 1,4 triệu người sử dụng lao động trong đại dịch Covid-19.

Thông qua việc hỗ trợ này đã góp phần khôi phục lại sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, đặc biệt là duy trì chuỗi cung ứng lao động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp. Việc duy trì lực lượng lao động đã góp phần quan trọng vào ổn định và cải thiện từng bước đời sống của nhân dân, người lao động”.

Đó thực sự là những chính sách chưa có tiền lệ để hỗ trợ người lao động. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, đời sống người lao động bị ảnh hưởng nặng nề, bằng sự lãnh đạo linh hoạt, sáng suốt của các cấp ủy đảng, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ và Quốc hội, Đảng, Nhà nước đã ban hành rất nhiều chính sách nhằm khôi phục và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của nhân dân.

Chỉ trong 3 năm (2020-2022), lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã ban hành hàng chục chính sách để duy trì mặt bằng chung cho đời sống nhân dân, bảo đảm nhiều chính sách đối với người có công, các hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng bảo trợ và hỗ trợ đối với trẻ em bị ảnh hưởng do bị mồ côi, do những tác động của đại dịch Covid-19.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung hỏi thăm cán bộ, công nhân lao động. Ảnh: MẠNH DŨNG 

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, khi ban hành các chính sách đặc thù hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động trong đại dịch Covid-19 và hậu Covid-19 thời gian vừa qua, chúng ta cải tiến rất nhiều; cải tiến từ quy trình ban hành văn bản, hồ sơ, thủ tục cho tới việc thực hiện với tinh thần cố gắng nhanh nhất, gọn nhất, dễ tiếp cận nhất cho người lao động, người sử dụng lao động. Điều quan trọng là thông qua các cơ sở dữ liệu và tài khoản, việc chi trả không chỉ nhanh mà còn minh bạch, khắc phục được tình trạng gian lận, dối trá trong việc tổ chức thực hiện.

Đặc biệt, các chính sách đến với người lao động nhanh, đúng thời điểm mà người lao động đang cần. Bằng rất nhiều cách làm và chính sách khác nhau, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự nỗ lực của người dân và doanh nghiệp, đến giờ này có thể khẳng định rằng, chúng ta không những không để đứt gãy mà đã khôi phục chuỗi cung ứng lao động một cách nhanh chóng và ổn định.

Sẵn sàng cho năm 2023

Theo tính toán của ngành lao động, trong năm 2023, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp khoảng 350.000-400.000 lao động ở các lĩnh vực khác nhau. Dự báo tình trạng thiếu lao động cục bộ sẽ tiếp tục diễn ra trong quý I, quý II. Vấn đề quan trọng là các doanh nghiệp phải có bài toán để giữ chân, thu hút người lao động và đào tạo, đào tạo lại lực lượng lao động để khi phục hồi sẽ có nguồn lực nhân sự đáp ứng sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt là đào tạo đội ngũ người lao động chất lượng cao, những người có kỹ năng cao để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của doanh nghiệp.

Theo nhận định của ông Ngô Xuân Liễu, Giám đốc Trung tâm Quốc gia về dịch vụ việc làm (Cục Việc làm, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), năm 2023 là thời gian khó khăn của thị trường lao động khi có nhiều thách thức cần được giải quyết. Việc hình thành một thị trường lao động linh hoạt, đồng bộ, hiện đại, bền vững và mang yếu tố hội nhập phải đi cùng với xây dựng và phát triển một hệ thống chính sách an sinh xã hội toàn diện, bao trùm và bền vững. Hai vấn đề này phải tiến hành đồng bộ. Xây dựng thị trường lao động đúng nghĩa phải bắt đầu từ những việc nhỏ và hành động phải thật nhanh chóng. Vai trò của doanh nghiệp và các cơ quan chức năng rất quan trọng. 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định: “Năm 2023 và những năm tới, cần phải xây dựng một khung chính sách đồng bộ, không để xảy ra tình trạng gặp đâu hay đấy; thấy khó khăn thì gỡ. Chính sách xã hội phải đầy đủ, toàn diện; thông thoáng bao trùm hơn; cả đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2045. Đây là yếu tố then chốt của toàn bộ hệ thống lao động việc làm trong thời gian tới.


Tags: lao động
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết