A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người tố cáo có thể đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ

Mới đây, tòa soạn Báo Quân đội nhân dân nhận được ý kiến phản ánh của chị Nguyễn Thu Hằng ở phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, từ một xích mích nhỏ, chị bị người hàng xóm hành hung, đạp vào bụng khi đang mang bầu ở tháng thứ 7 nên chị đã làm đơn tố cáo.

Người hàng xóm khi biết có đơn tố cáo đã tuyên bố nếu chị Hằng không rút đơn thì sẽ tìm cách làm hại người thân trong gia đình chị. “Tôi ngày đêm nơm nớp lo lắng cho sự an toàn của bố mẹ, các con và bản thân nhưng không biết phải làm sao”, chị Hằng trình bày.

Điều 50 Luật Tố cáo quy định, khi có căn cứ cho rằng tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự... của người tố cáo; vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử do việc tố cáo thì người tố cáo có văn bản đề nghị người giải quyết tố cáo áp dụng biện pháp bảo vệ. Văn bản đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ phải có các nội dung chính, gồm: “Ngày, tháng, năm đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ; họ tên, địa chỉ của người tố cáo; họ tên, địa chỉ của người cần được bảo vệ; lý do và nội dung đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ; chữ ký hoặc điểm chỉ của người tố cáo. Trường hợp khẩn cấp, người tố cáo có thể trực tiếp đến đề nghị hoặc thông qua điện thoại đề nghị người giải quyết tố cáo áp dụng biện pháp bảo vệ ngay nhưng sau đó nội dung đề nghị phải được thể hiện bằng văn bản”.

Điều 17, 18 Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10-4-2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo quy định, khi nhận được văn bản đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ của người tố cáo thì người giải quyết tố cáo có trách nhiệm xem xét, đánh giá căn cứ, tính xác thực của đề nghị bảo vệ và quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ theo thẩm quyền. Trường hợp không thuộc thẩm quyền thì đề nghị hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ. Trường hợp khẩn cấp, người giải quyết tố cáo đề nghị hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ ngay lập tức, sau đó gửi văn bản đến cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ. Khi nhận được đề nghị hoặc yêu cầu của người giải quyết tố cáo thì cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình xem xét, quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ theo quy định và thông báo bằng văn bản cho người giải quyết tố cáo, người được bảo vệ.

Như vậy, trong trường hợp khẩn cấp, chị Hằng có thể trực tiếp đến đề nghị hoặc thông qua điện thoại đề nghị người giải quyết tố cáo là công an phường nơi chị sinh sống áp dụng biện pháp bảo vệ mình và người thân, sau đó có văn bản thể hiện nội dung đề nghị để được bảo vệ theo quy định của pháp luật.  

HÀ PHƯƠNG


Tags: qdnd
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật