Nỗ lực xây dựng nông thôn mới nâng cao ở Phú Đình
Là xã miền núi của huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, xã Phú Đình đã hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vào cuối năm 2019. Không chỉ giữ vững các tiêu chí đã đạt được, hiện nay Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Phú Đình đang tích cực xây dựng xã nông thôn mới nâng cao với nhiều cách làm, mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Xã Phú Đình hiện có 13 xóm gồm 1.570 hộ dân với hơn 6.300 nhân khẩu, trong đó 70% là đồng bào dân tộc thiểu số. Hơn 10 năm về trước, khi nhắc đến xã Phú Đình, ai cũng nghĩ tới mảnh đất nghèo khó. Lúc đó, ở Phú Đình đường sá đi lại khó khăn, đời sống người dân thiếu thốn đủ bề, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, mang nặng tính tự cung, tự cấp.
Năm 2012, khi bắt tay thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Phú Đình chỉ đạt 6/19 tiêu chí, thu nhập bình quân chỉ đạt 8,3 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở mức 35,5%. Thế nhưng với sự quyết tâm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, đến năm 2019 xã Phú Đình đã về đích nông thôn mới. Phát huy thành quả đã đạt được, Phú Đình tiếp tục nỗ lực nâng cao các tiêu chí.
Qua hơn 3 năm triển khai, nhiều công trình thiết thực phục vụ nhân dân trên địa bàn như điện, đường, trường, trạm được xây dựng. Đặc biệt, tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Phú Đình nhiệm kỳ 2020-2025 xác định, phải hoàn thành chuẩn nông thôn mới nâng cao trong giai đoạn này. Hết năm 2022, xã đã hoàn thành nhiều tiêu chí, đây chính là động lực để xã quyết tâm về đích nông thôn mới nâng cao trong năm 2023.
Người dân xã Phú Đình chung tay làm đường giao thông nông thôn. |
Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Văn Vựng, Chủ tịch UBND xã Phú Đình cho biết: “Khi triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao, giao thông là một trong những tiêu chí được xã Phú Đình đặc biệt quan tâm, trong đó trọng tâm là việc mở rộng đường và bê tông hóa các tuyến đường liên thôn, liên xóm.
Để hoàn thành tiêu chí giao thông, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động người dân hiến đất làm đường, qua đó chỉ trong một thời gian ngắn, người dân đã tự nguyện hiến hơn 50.000m2 đất để mở rộng đường. Nhờ vậy, từ chỗ gần 100% đường giao thông trên địa bàn xã là đường đất, đến nay, toàn xã đã có hơn 30km đường giao thông được bê tông và cứng hóa (đạt 83%). Cùng với đó, các công trình hạ tầng như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung... cũng được xã quan tâm đầu tư xây mới”.
Dẫn chúng tôi đi trên con đường bê tông lên nương chè xanh mướt, ông Đỗ Xuân Thùy, Bí thư chi bộ thôn Phú Ninh, xã Phú Đình giới thiệu: “Khi Phú Ninh được chọn thí điểm xây dựng thôn nông thôn mới, chúng tôi bắt đầu triển khai xây dựng các con đường bê tông chia các lô chè. Để thực hiện dự án, người dân đã tự nguyện hiến đất và ngày công xây dựng được 1.000m đường bê tông. Có đường giúp người dân thuận lợi trong việc đi lại, thu hoạch chè, từ đó kinh tế các gia đình cũng phát triển hơn. Người dân chúng tôi đều hiểu rằng, xây dựng nông thôn mới là vì dân, của dân và người dân hưởng lợi, vì vậy, khi có chủ trương xây dựng nông thôn mới, ai cũng đồng lòng hưởng ứng, chung sức với chính quyền địa phương”.
Xác định mục tiêu cốt lõi của chương trình xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn, những năm qua xã Phú Đình luôn chú trọng phát triển kinh tế-xã hội, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Vì vậy, Đảng ủy, UBND xã Phú Đình đã triển khai những phần việc, mô hình tập trung và phát triển kinh tế xoay quanh trồng trọt và chăn nuôi để người dân thực hiện. Chính quyền và các đoàn thể đã tích cực tuyên truyền đến người dân về các chủ trương phát triển kinh tế như đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, đồng thời hỗ trợ nguồn vốn, hướng dẫn người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hỗ trợ phát triển sinh kế nhằm tạo ra “cần câu” để bà con tự lực vươn lên.
Đến nay, hầu hết bà con nơi đây đã được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội để có vốn chăn nuôi, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống. Cùng với đó, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp phát triển rộng rãi, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho bà con. Nếu như năm 2012, thu nhập bình quân đầu người của người dân chỉ đạt 8,3 triệu đồng thì nay đã tăng lên 32,1 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 35,5% xuống còn 11,4%; trên địa bàn xã có 2/3 trường học đạt chuẩn Quốc gia; hơn 90% người dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh...
“Có thể nói rằng, nhờ có chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay bộ mặt xã Phú Đình đang từng ngày “thay da, đổi thịt” với những ngôi nhà kiên cố dần thay thế những mái nhà cũ, xuống cấp xưa kia; ruộng vườn xanh tốt, đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, đi lại thuận tiện, trường học xây dựng khang trang, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt...
Có được điều đó chính là nhờ sự chung sức, đồng lòng của người dân với chính quyền địa phương trong quá trình triển khai. Tin rằng với những kết quả đạt được, xã Phú Đình sẽ hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao trong năm 2023”-ông Trương Văn Vựng cho biết thêm.