Giải phóng nguồn lực đất đai
Luật Đất đai 2024 thu hút sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan quản lý nhà nước, nhà chuyên môn, các tổ chức, cá nhân, bởi luật này ảnh hưởng và tác động sâu rộng đến nhiều đối tượng, đặc biệt là người dân và doanh nghiệp (DN).
Bảo đảm quyền lợi cho người sử dụng đất
Luật Đất đai năm 2024 đánh dấu những đổi mới về chính sách, pháp luật đất đai, thể chế hóa các chủ trương của Đảng, mà trọng tâm là Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
So với Luật Đất đai năm 2013, Luật Đất đai năm 2024 có những điểm nổi bật như: Bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ công dân đối với đất đai; sửa đổi quy định về phân loại đất; tiếp tục hoàn thiện về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân; bổ sung quy định về phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất; quy định cụ thể về việc giao đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất; quy định cụ thể trường hợp thu hồi đất để phát triền kinh tế - xã hội; bổ sung nguyên tắc, điều kiện về tách thửa đất, hợp thửa đất; được sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất. Đồng thời, phân cấp, phân quyền, đơn giản thủ tục trong quản lý sử dụng đất…
Theo nhìn nhận của các chuyên gia, với luật mới, giá trị đất sẽ tăng một cách bền vững, bởi việc định giá đất sát với mặt bằng giá của thị trường. Ngoài ra, luật có quy định đất kết hợp sử dụng đa mục đích, chuyển đổi đất nông nghiệp góp phần tích tụ đất đai cho sản xuất; quyền cho thuê, liên doanh, liên kết đối với đơn vị sự nghiệp công lập; nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp đối với đối tượng không phải là người trực tiếp sản xuất nông nghiệp; mở rộng trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất… giúp nâng cao hiệu quả sử dụng các loại đất. Khi thực thi luật mới về đất đai, người dân sẽ được hưởng thêm quyền lợi về bồi thường, đền bù tái định cư khi bị thu hồi đất. Bên cạnh đó, luật cũng sẽ hạn chế tình trạng tranh chấp đất đai với quy định Nhà nước có trách nhiệm phải cấp giấy chứng nhận cho những người có đất ổn định có đủ điều kiện.
Các doanh nghiệp nhỏ có thêm cơ hội đầu tư dự án trong khu công nghiệp khi chính sách mới về đất đai có hiệu lực. Trong ảnh: Doanh nghiệp thuê đất trong Khu công nghiệp Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Vạn Tiếp |
Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất
Trước khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, tháng 5/2024, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương về việc xử lý, chỉ đạo một số vấn đề liên quan đến công tác quản lý, sử dụng đất.
Cụ thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đặc biệt là pháp luật về đất đai, xây dựng nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
Để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các quy hoạch, trên cơ sở Quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, rà soát quy hoạch sử dụng đất cấp huyện được UBND tỉnh phê duyệt và quy hoạch ngành, lĩnh vực có liên quan để xem xét, điều chỉnh hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh cho phù hợp theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
Tăng cường trách nhiệm và thực hiện việc thẩm định điều kiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật khi giải quyết nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân. Đồng thời, ngăn chặn, xử lý các tổ chức, cá nhân tại địa phương lợi dụng việc tách thửa, hợp thửa đất để thực hiện hành vi kinh doanh bất động sản không đúng quy định của pháp luật.
Đối với Sở Tài nguyên và Môi trường, hằng năm, xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra công tác quản lý, sử dụng đất, việc chấp hành pháp luật đất đai tại UBND cấp huyện theo quy định, đặc biệt là việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm; thẩm định điều kiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn; chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai thẩm định chặt chẽ điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất; giải quyết hồ sơ tách thửa đất, hợp thửa đất đảm bảo đúng quy định của pháp luật; sớm xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu về đất đai và thực hiện có hiệu quả, kịp thời cơ chế phối hợp trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai đảm bảo theo quy định.
Làm việc với các địa phương về công tác triển khai Luật Đất đai 2024, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân nhấn mạnh, các tỉnh, thành phố cần bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất, phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả giữa các sở, ban, ngành trong việc triển khai thi hành luật; xác định lộ trình cụ thể để bảo đảm Luật Đất đai và các văn bản liên quan được thực hiện thống nhất, đồng bộ; thường xuyên, kịp thời kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ, giải quyết vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện. Đối với cán bộ làm công tác quản lý đất đai tại địa phương, cần nghiên cứu kỹ những điểm mới của luật để áp dụng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn tại cơ sở; bám sát hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn để triển khai thi hành có hiệu quả bộ luật này.
Để triển khai có hiệu quả Luật Đất đai, trước hết, cơ quan chức năng phải tổ chức đào tạo lại cán bộ làm công tác liên quan đến đất đai, đặc biệt là cán bộ ở xã, phường, thị trấn. Họ phải hiểu biết, thậm chí phải thấm nhuần sâu sắc các quy định cơ bản của Luật Đất đai thì mới phục vụ tốt cho nhân dân. Nhà nước cũng cần tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, giúp họ hiểu biết đầy đủ hơn về Luật Đất đai, góp phần thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ của họ trong quá trình sử dụng đất và các hoạt động khác có liên quan đến đất đai. Cùng với đó, các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai phải được khẩn trương ban hành đồng bộ, hết sức tránh việc thi hành luật nhưng phải chờ thông tư, nghị định, sẽ làm mất niềm tin của người dân.