A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xiếc chuyển mình, đổi mới để hút khán giả

Nỗ lực đổi mới hình thức dàn dựng, đa dạng hóa sản phẩm nghệ thuật, khai thác thị trường là những bước đi mới của Liên đoàn Xiếc Việt Nam, với mong muốn mang tới công chúng các sản phẩm nghệ thuật sáng tạo, đầu tư nghiêm túc và không kém phần hấp dẫn.

Coi nghệ thuật là sản phẩm hàng hóa

“Đã qua cái thời giữ suy nghĩ dàn dựng xong một tác phẩm nghệ thuật thì diễn công báo tới các cơ quan chức năng kiểm duyệt là xong, bán được nhiều hay ít vé không quan trọng vì vở cũng đã được đầu tư bằng ngân sách nhà nước, diễn viên được trả lương... Muốn thu hút khán giả thì phải xem tác phẩm nghệ thuật là một sản phẩm hàng hóa có giá trị, chất lượng, hấp dẫn thì mới mong người xem tìm đến, bỏ tiền ra để mua vé vào xem”, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho hay.

Liên đoàn Xiếc Việt Nam là đơn vị sân khấu công lập "đi tắt, đón đầu", mở ra hướng tiếp cận thị trường mới, đó là hằng năm tổ chức hội nghị khách hàng. Ngày cuối tháng 2 vừa qua, gần 100 khách hàng là đại diện những công ty lữ hành, trung tâm tổ chức sự kiện, cơ sở giáo dục... cùng ngồi hiến kế cho lãnh đạo, nghệ sĩ Liên đoàn Xiếc Việt Nam và các đơn vị sân khấu khác như Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội.

Công bố một kế hoạch biểu diễn của năm 2023 với những sản phẩm nghệ thuật chất lượng mang tính chuyên nghiệp cao, Liên đoàn Xiếc Việt Nam chào hàng bằng một danh mục gần 20 chương trình khai thác đề tài đa dạng và phục vụ nhiều đối tượng khách hàng khác nhau tại hội nghị, như: “Những cánh hồng bay”, giới thiệu tiết mục xuất sắc của các nữ nghệ sĩ vừa đoạt giải thưởng cao tại các liên hoan xiếc quốc tế; “Bài ca đi cùng năm tháng” diễn dịp 30-4, 27-7, 22-12... Bên cạnh những chương trình biểu diễn theo kế hoạch, đơn vị sẵn sàng phục vụ ưu đãi những hợp đồng biểu diễn cho các tour, trường học đưa học sinh ở các địa phương về tham quan Hà Nội.

    Cảnh trong vở diễn “Lửa tình cao nguyên” của Liên đoàn Xiếc Việt Nam. 

Giám đốc Công ty du lịch Minh Trung, ông Tô Văn Trung cho biết: “Phối hợp tổ chức biểu diễn với Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã 5 năm nay, chúng tôi hài lòng với cách thức tổ chức chuyên nghiệp của đơn vị. Khán giả mà công ty đưa đến xem xiếc đều là các cháu nhỏ ở lứa tuổi mầm non nên việc di chuyển đón đưa các bé đã là một khó khăn, nhưng Liên đoàn Xiếc đã hỗ trợ và phối hợp rất bài bản, mỗi năm lại thấy cách làm tốt hơn”. Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển giáo dục Capi Edu Việt Nam, bà Phan Thùy Dương chia sẻ: “Tôi trân trọng những nỗ lực của Liên đoàn Xiếc Việt Nam trong việc làm mới những tiết mục và thể loại xiếc qua các chương trình xiếc mới đương đại. Các nghệ sĩ đã đưa được nhiều thông điệp giáo dục ý nghĩa qua các tiết mục, truyền cảm hứng về nghị lực vượt qua mọi khó khăn. Đây là cách tiếp cận hữu ích đối với lớp khán giả trẻ, đặc biệt là thiếu niên, nhi đồng-đối tượng khán giả chủ lực của xiếc”.

Nâng tầm xiếc Việt

“Cùng hợp sức để mang tới những sản phẩm nghệ thuật đặc biệt" là một trong những định hướng được Liên đoàn Xiếc Việt Nam đặt ra. Ngoài việc thay đổi, tiếp cận các phương thức để có thể biểu diễn trong nước, đơn vị còn đưa nhiều đoàn đi biểu diễn ở châu Âu, có những tiết mục được mời lưu diễn hai năm liên tiếp. 

NSND Tạ Duy Ánh, nguyên Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam bày tỏ trăn trở, xiếc luôn có cơ hội tỏa sáng và thu hút khán giả, nhưng vấn đề khó khăn hiện nay là thiếu nguồn nhân lực kế cận. Trường Trung cấp Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Việt Nam thường không đủ chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm. Trong quá trình đào tạo lại có sự "rơi rụng" nên nhiều năm nay không đáp ứng được nhu cầu cho các đơn vị nghệ thuật xiếc. Bởi vậy, thời gian qua, các đơn vị nghệ thuật xiếc hầu như phải vận động, khuyến khích diễn viên “kiêm” nhiều vai diễn. Cũng theo NSND Tạ Duy Ánh, điều đáng mừng là xiếc Việt Nam có đội ngũ diễn viên tài năng đang ở độ chín của nghề. Vẫn là những trò khéo của xiếc như tung hứng, thăng bằng, đu dây, nhào lộn... nhưng khi được kết hợp với các ý tưởng sáng tạo trong dàn dựng cùng ngôn ngữ múa, âm nhạc mang đến bất ngờ, thú vị cho khán giả ở nhiều lứa tuổi.

Đảm nhận vai trò lên kịch bản và dàn dựng phần lớn vở diễn, chương trình xiếc hiện nay của Liên đoàn Xiếc Việt Nam, NSND Tống Toàn Thắng khẳng định, xiếc là loại hình nghệ thuật có ưu thế kết hợp được với nhiều ngôn ngữ nghệ thuật khác để làm phong phú hơn khả năng biểu đạt của mình. Đây cũng là “chìa khóa” gợi ý để những người làm nghệ thuật mở rộng khả năng sáng tạo cho xiếc, nâng tầm xiếc để thu hút khán giả. Với mục tiêu biến rạp xiếc thành trung tâm biểu diễn nghệ thuật, hàng loạt dự án thử nghiệm theo hình thức kết hợp này đã được lên kế hoạch thực hiện. Liên đoàn “bắt tay” với Nhà hát Cải lương Việt Nam triển khai dự án “Huyền Sử Việt”, dựng các vở xiếc-cải lương về tứ bất tử của Việt Nam, như: “Cây gậy thần” về Chử Đồng Tử, “Thượng thiên Thánh Mẫu”, tới đây là vở về Thánh Gióng, Tản Viên Sơn thánh. 

Tháng 3 này, với vở xiếc mới nhất “Lửa tình cao nguyên” dàn dựng theo đặt hàng sáng tác của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngay khi công bố lịch diễn đã có nhiều đơn vị đặt vé; các chương trình biểu diễn từ tháng 4 cho tới hết tháng 6-2023 kín lịch, có những ngày cao điểm 3-5 suất diễn. Chính vì vậy, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã và đang đưa thêm hướng mở rộng kết nối với Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội, các đoàn xiếc tư nhân phía Bắc và nghệ sĩ xiếc phía Nam tham gia biểu diễn, mang đến nhiều tiết mục, màu sắc để khán giả thăng hoa cùng nghệ thuật xiếc Việt Nam.


Tags: xiếc
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết